1. Bể tự hoại cải tiến với các vách ngăn mỏng và ngăn lọc kỵ khí (BASTAF)
Ở Việt Nam, phần lớn nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư đô thị, ven đô và nông thôn đều chưa được xử lý đúng quy cách. Cơ sở hạn tầng kỹ thuật nói chung còn rất yếu kém, các giải pháp thu gom và xử lý nước thải tập trung lại không thể đáp ứng vì không đủ kinh phí xây dựng và vận hành, quản lý. Giải pháp xử lý nước thải cục bộ, phân tán, với các công nghệ chi phí thấp và thân thiện với môi trường là giải pháp thích hợp, khả thi bền vững.
Công nghệ bể tự hoại cải tiến với các vách ngăn mỏng và ngăn lọc kỵ khí (BASTAF) thay thế cho bể tự hoại truyền thống, với giá thành thấp và hiệu quả xử lí cao, ổn định đã được nghiên cứu, phát triển trong khuôn khổ dự án hợp tác nghiên cứu ESTNV giữa Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE), Trường ĐHXD và Viện KH&CN MT Liên bang Thụy Sĩ (EAWAG), Cơ quan Hợp tác Phát triển Thuỵ Sĩ (SDC) tài trợ (1998 – 2007), và ngày càng được cải tiến, hoàn thiện.

Nguyên tắc làm việc của bể tự hoại cải tiến BASTAF: nước thải được đưa vào ngăn đầu của bể, có vai trò làm ngăn lắng – lên men kỵ khí, đồng thời điều hòa lưu lượng và nồng độ chất bẩn trong dòng nước thải. Nhờ có các vách ngăn hướng dòng ở những ngăn tiếp theo, nước thải được chuyển động theo hướng từ dưới lên trên, tiếp xúc với các vi sinh vật kỵ khí trong lớp bùn hình thành ở đáy bể trong điều kiện động. Các chất bẩn hữu cơ được các vi sinh vật hấp thụ và chuyển hóa làm nguồn dinh dưỡng cho sự phát triển của chúng. Cũng nhờ các vách ngăn này, công trình trở thành một dãy bể phản ứng kỵ khí được bố trí nối tiếp. Cơ chế dòng chảy hướng lên của bể tự hoại cải tiến bảo đảm hiệu suất sử dụng thể tích tối đa, và sự tiếp xúc trực tiếp của dòng nước thải hướng lên và lớp bùn đáy bể - nơi chứa quần thể các vi sinh vật kỵ khí, cho phép nâng cao hiệu suất xử lý rõ rệt. Các ngăn lọc kỵ khí phía sau, với vật liệu lọc do IESE chế tạo cho phép nâng cao hiệu suất xử lý của bể và tránh rửa trôi bùn cặn theo nước.
Các kết quả quan trắc thu được từ các bể BASTAF trong phòng thí nghiệm và ngoài hiện trường, cho các loại nước thải khác nhau, cho thấy BASTAF cho phép đạt hiệu quả xử lý cao, ổn định, ngay cả khi dao động lưu lượng và nồng độ chất bẩn của nước thải đầu vào lớn. Hiệu suất xử lý trung bình theo COD, BOD5 và TSS tương ứng là 75 – 90%, 70 – 85% và 75 – 95%.
Những ưu điểm của công nghệ BASTAF:
- Công nghệ được phát triển từ mô hình bể tự hoại truyền thống nên dễ chấp nhận, dễ phổ cập, nguyên lý thiết kế, thi công, quản lý vận hành và bảo dưỡng đơn giản. Công nghệ có thể dễ dàng chuyển giao cho cộng đồng, do cộng đồng quản lý một cách bền vững.
- Sử dung BASTAF để xử lý nước thải sinh hoạt cho phép đạt hiệu suất tốt, ổn định.
- Có thể xây dựng ngầm, tận dụng khu đất cộng động, vỉa hè hay đường đi, phía trên bề sử dụng cho các mục đích khác.
- BASTAF không phải dùng các thiết bị, máy móc, không tốn điện năng. 2-3 năm một lần, tùy theo chất bẩn đầu vào, bùn trong bể được hút định kỳ qua các ống hút bùn. Nắp bể được đậy bằng các tấm đan nên cho phép tiếp cận và bảo dưỡng sửa chữa một cách đơn giản khi có sự cố.
- Có thể được xây dựng, sử dụng hoàn toàn bằng các vật liệu địa phương. Ngoài ra, có thể chế tạo hàng loạt các bể theo kiểu mô đun, bằng chất dẻo, để áp dụng đại trà.
- Có thể cải tạo, nâng cấp, nâng cao chất lượng nước thải sau xử lý. Có thể bố trí thêm các công đoạn xử lý (hiếu khí, khử trùng...) trong bể hay sau bể. Có thể áp dụng BASTAF với các công đoạn xử lý như bể biogas (thường bố trí phía trước BASTAF), bãi lọc trồng cây, hồ sinh học hay bãi lọc ngầm hoặc các công trình xử lý sinh học bậc 2,3 phía sau bể BASTAF.
2. Mô hình BASTAF + Bãi lọc ngầm trồng cây

Bãi lọc trồng cây (constructed wetland) gần đây đã được biết đến trên Thế giới như một giải pháp công nghệ xử lý nước thải trong điều kiện tự nhiên, thân thiện môi trường, cho phép đạt hiệu suất cao, chi phí thấp và ổn định, đồng thời góp phần làm tăng giá trị đa dạng sinh học, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái của địa phương. Sinh khối thực vật, bùn phân huỷ, nước thải sau xử lý từ bãi lọc trồng cây còn có giá trị kinh tế. Mô hình xử lý nước thải trong bể BASTAF và bãi lọc ngầm trồng cây - trồng các loại thực vật nước dễ kiếm, phổ biến ở Việt Nam, do Viện KH&KTMT (IESE), Trường ĐHXD phát triển cho phép đạt chất lượng nước đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn cột A hoặc cột B, QCVN 14:2008 và QCVN 40:2011 đối với các chỉ tiêu COD, SS, TP, TN, vi sinh vật, cho phép đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường hay tái sử dụng lại nước thải, là công nghệ XLNT phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc